Sân chơi dành cho người có nguyên liệu (08/06/2013)
Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), những ngày đầu tháng 4-2013, đơn đặt hàng nhập khẩu cá tra philê Việt Nam tăng 2% so với tháng trước, trong khi giá xuất tăng từ 3,2 USD/kg lên 3,5 USD/kg.
Với vai trò là Phó chủ tịch Vasep phụ trách ngành cá tra, ông Dương Ngọc Minh còn cho rằng, tình hình thị trường hiện nay đang đưa đến nhiều cơ hội để ngành cá tra cũng cố lại và nâng giá bán.
Ông Minh phân tích: Diễn biến thị trường nguyên liệu cá tra tháng 4 đang dần đi vào ổn định. Từ mức giá 20.000 đồng/kg tại thời điểm cuối tháng 3.2012, đến nay giá cá tra tăng 1.500-2.000 đồng, lên 21.500-22.000 đồng/kg. Với xu hướng này, dự kiến từ tháng 5 trở đi giá cá nguyên liệu sẽ tăng thêm nữa và đà tăng giá còn kéo dài qua đến năm 2014. Có nhiều nguyên nhân để đưa ra nhận định này.
Thứ nhất là do sản lượng cá rô phi, cá hồi trên thế giới năm 2012 tăng quá nóng, nhưng giá bán lại giảm nên người nuôi bị thua lỗ. Tới năm 2013, người nuôi không còn khả năng đầu tư nên sản lượng nuôi giảm, điều này thể hiện qua giá xuất khẩu trong quý 1.2013 của hai mặt hàng này đã tăng 20-30%.
Thứ hai là tình hình giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2012 liên tục giảm khiến nhà nhập khẩu phải thận trọng mua trữ hàng. Hậu quả là qua quý một năm nay, lượng tồn kho ở nước ngoài tại hầu hết thị trường như Mỹ, EU…không còn nhiều nên ngay từ tháng 4 này, nhà nhập khẩu phải tranh thủ mua vào vì sợ giá cá tra tăng và sợ hết hàng bán.
Ngoài ra, việc thị trường xuất khẩu cá tra đang có dấu hiệu ấm lên còn do sản lượng nguyên liệu nuôi trong nước đang bị thiếu hụt trầm trọng. Dự đoán năm nay chỉ còn khoảng 800-900 ngàn tấn, hụt so với nhu cầu xuất khẩu của năm 2012 khoảng 300-400 ngàn tấn.
Nếu nói như vậy thì hiện nay ai sẽ là người hưởng lợi và quyết định thị trường xuất khẩu cá tra thưa ông? Như tôi đã phân tích, việc thiếu hụt sản lượng cá tra thể hiện rất rõ qua diễn biến sản lượng thức ăn bán ra trong tháng ba và tháng tư năm nay chỉ còn khoảng 100 ngàn tấn so với trên 200 ngàn tấn của cùng kỳ 2012.
Hiện nay, ngay cả các doanh nghiệp có vùng nuôi, đầu tư khá nhiều tiền của nuôi cá thì sản lượng nguyên liệu cũng không còn nhiều.
Khi nguyên liệu bị thiếu hụt thì việc giá cá tra xuất khẩu dự báo tăng trở lại từ tháng 5 và tiếp tục tăng mạnh vào quý 4 năm nay là điều tất yếu. Đây là cơ hội cho người đầu tư nuôi trồng nào còn đang có cá trong ao và tôi nghĩ hiện doanh nghiệp đã tự đầu tư nuôi được 70% sản lượng, 30% còn lại do người dân tự nuôi.
Rõ ràng, sân chơi của ngành cá tra hiện nay là sân chơi dành cho những người có nguyên liệu trong tay bởi vì thị trường xuất khẩu chắc chắn sẽ tốt lên. Quyền quyết định giá nguyên liệu không hẳn là doanh nghiệp mà là người nuôi trồng vì một khi doanh nghiệp sản xuất hết cá nhà thì cũng phải mua cá ở thị trường bên ngoài.
Vấn đề còn lại là người nuôi phải bình tỉnh để quyết định giá bán, không để doanh nghiệp lợi dụng ép giá. Đối với doanh nghiệp cũng nên thận trọng, không nên xuất khẩu giá thấp. Theo ông, đây có phải là thời điểm để người dân quay trở lại đầu tư nuôi cá tra như thời hoàn kim cách nay hai ba năm?
Trước khi nói đến việc có nên đầu tư vào nuôi cá tra hay không, tôi nghĩ rằng ngành này cần phải có sự sắp xếp lại. Sắp xếp ở đây có ba vấn đề. Một là định hướng vấn đề cung cầu trong năm 2013 và 2014.
Không thể vì giá cá tăng lên để rồi lại đổ xô vào nuôi mà không có kiểm soát. Người nông dân cũng không vì mục đích lợi nhuận mà nuôi đại trà, sau này nuôi phải có ít nhất 70% có bao tiêu, 30% còn lại đánh đổi rủi ro, còn không thì phải tuyệt đối 100% có sự liên kết với doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp nếu không tự chủ được tài chánh thì cũng cần có sự liên kết với nông dân để tận dụng cái hiện có của người nông dân là ao hồ, lao động, chi phí nhân công để hai bên cùng có lời. Nghĩa là, một người có công là có tài sản, một người có của là thị trường, tiền, hai mắt xích này phải gắn kết lại với nhau.
Nếu doanh nghiệp không đủ năng lực tài chánh mà tự làm sẻ vướng vào giá thành cao do nuôi không cho ăn đầy đủ, hệ số đầu tư, cộng với lãi suất, nuôi trồng cao sẽ bị thiệt hại. Vấn đề thứ hai là phải biết liệu cơm gắp mắm. Thời gian qua giá cá tra sở dĩ đi xuống một phần là do doanh nghiệp đầu tư nuôi quá nhiều.
Nghĩa là, năng lực sản xuất một năm có 15 ngàn tấn, nhưng lại đầu tư nuôi 30 ngàn. Anh vừa không tham gia mua ngoài thị trường để kích thích người dân nuôi trồng, anh vừa tạo sức ép phải bán ra quanh vòng vốn và bán rẻ, khiến thị trường càng khó khăn hơn. Đây cũng là tác nhân gây rối loạn thị trường trong 2012. Vấn đề thứ ba là cần có chính sách, cụ thể là định hướng thị trường, trong đó then chốt là chất lượng sản phẩm để tạo hình ảnh con cá tra của Việt Nam có tính chất cạnh tranh với mặt hàng thủy sản cùng loại.
Tôi nghĩ rằng, vai trò của các cơ quan nhà nước là rất lớn, phải định hướng lại chất lượng hàng hóa, sắp xếp lại việc tham gia thị trường xuất khẩu. Không thể có chuyện chỉ có 70 doanh nghiệp sản xuất mà có tới 300 đầu mối xuất được. Nhiều đầu mối xuất khẩu cũng là một trong những tác nhân gây rối thị trường.
Còn bản thân doanh nghiệp tham gia vào việc nâng chất lượng cá tra là như thế nào thừa ông Tôi nghĩ rằng các cơ quan nhà nước như Tổng cục Thủy sản cần phải có quy định ghi rõ trên bao bì về độ ẩm (quay tăng trọng), tỷ lệ mạ băng hàng hóa, để từ đó quản lý được anh nào làm tốt anh nào làm xấu chất lượng.
Hàng của anh là 86% độ ẩm phải ghi là 86%, làm 83 phải ghi 83, làm 85 ghi 85%. Hiện nay chúng ta chưa có hướng dẫn quy định này. Việc ghi như vậy để người tiêu dùng biết được đang mua sản phẩm này có chất lượng như thế nào.
Nếu không ghi thì vô tình chính doanh nghiệp Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho người nhập khẩu có cơ hội gian lận người dùng. Hiện nay, từng bước phải tiến tới vấn đề hạ độ ẩm cá tra, nên lấy tiêu chuẩn 83-84% chứ không thể cao tới 86% được. Nhìn xa hơn, bản thân doanh nghiệp và người nuôi cá tra Việt Nam đã tốn nhiều tiền đầu tư về kỹ thuật, môi trường cho vùng nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng Quốc tế nên việc bỏ hẳn quay tăng trọng là cần thiết.