Xuất khẩu thủy sản tháng Năm đạt gần 500 triệu USD (11/04/2012)
Các chuyên gia ngành thủy sản cho biết, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm tháng đầu năm giảm, nguyên nhân chính là do chịu tác động bởi nhiều yếu tố như khó khăn về nguồn nguyên liệu và rào cản thị trường như Ethoxyquin tại Nhật Bản, Hàn Quốc, thuế chống bán phá giá cá tra, thuế chống trợ cấp với tôm và vấn đề dịch bệnh EMS (chết sớm) trong tôm nuôi.
Không những thế, mới đây, Australia và Canada cũng đưa ra cảnh báo chất lượng thủy sản Việt Nam do phát hiện dư lượng các chất kháng sinh thuộc nhóm Fluoroquinolones - một loại kháng sinh cấm sử dụng trong các lô hàng thủy sản của Việt Nam tăng cao.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu vào ba thị trường lớn nhất là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2012.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 331 triệu USD, giảm 1,1%, Nhật Bản đạt 294 triệu USD, giảm 4,9% và Hàn Quốc đạt gần 118 triệu USD, giảm 20%. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc và Thái Lan tăng trưởng mạnh với mức tăng lần lượt đạt 41% và 19% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mặc dù nhu cầu thị trường đang có dấu hiệu hồi phục nhưng các yếu tố nêu trên sẽ tiếp tục ảnh hướng đến xuất khẩu trong những tháng tới. Do vậy trong quý 2, xuất khẩu thủy sản khó có thể phục hồi, thậm chí dự báo sẽ vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hy vọng rằng, Nhật Bản, thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam, mới đây đã bỏ quy định kiểm tra Trifluralin, một hoạt chất diệt cỏ sử dụng trong cải tạo môi trường nuôi thủy sản đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này. Với quyết định này, xuất khẩu tôm vào Nhật Bản có thể tăng trưởng trở lại trong những tháng tới.
Để đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng tới, các doanh nghiệp cho rằng, ngành cần tìm mọi biện pháp giảm các chi phí gián tiếp và chi phí dịch vụ cho các doanh nghiệp thủy sản trong điều kiện chi phí đầu vào, vận chuyển đều tăng cao; đồng thời, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ chú trọng đến chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.