Vì sao cho phép nhập khẩu lợn sống Thái Lan về Việt Nam? (11/06/2020)
Từ ngày 12.6, Bộ NN-PTNT đồng ý với đề xuất của Cục Thú y cho phép 8 doanh nghiệp Thái Lan được xuất khẩu lợn sống vào Việt Nam.
Ông Phạm Văn Đông, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết trong 3 tháng vừa qua, Cục này đã thực hiện phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan trên cơ sở hồ sơ do cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan kết hợp với họp đàm phán trực tuyến.
Theo yêu cầu của Cục Thú y, Thái Lan đã cung cấp đủ các nhóm tài liệu chính về: năng lực phòng thí nghiệm chẩn đoán xét nghiệm bệnh, kết quả giám sát và khống chế dịch bệnh; chương trình phòng chống lở mồm long móng đã được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận; kết quả kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm; các tiêu chuẩn vệ sinh thú y đối với lợn sống; hệ thống truy xuất nguồn gốc; mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu…
Thái Lan cũng là 1 trong 6 quốc gia có chương trình quốc gia phòng chống bệnh lở mồm long móng được OIE công nhận.
Giải thích vì sao Việt Nam chọn nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan, ông Phạm Văn Đông cho rằng, đây là quốc gia có ngành chăn nuôi lợn chuyên nghiệp, quy mô lớn. Thái Lan không có các bệnh nipah, teschen, dịch tả lợn châu Phi, viêm mụn nước. Lợn nhập khẩu nguồn gốc từ các trang trại trong vòng bán kính 10 km không có bệnh lở mồm long móng, tai xanh, viêm dạ dày ruột truyền nhiễm, sẩy thai truyền nhiễm, viêm mũi truyền nhiễm, giả dại, dịch tả lợn cổ điển, xoắn khuẩn trong vòng 12 tháng trước khi xuất khẩu...
Lợn nhập khẩu được cơ quan thú y Thái Lan kiểm soát
Bên cạnh đó, lợn từ Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam không sử dụng thức ăn có các chất cấm trong chăn nuôi theo quy định của Thái Lan và Việt Nam; được tiêm phòng bệnh lở mồm long móng và tai xanh; được lấy mẫu xét nghiệm không quá 30 ngày trước ngày xuất khẩu, và có kết quả âm tính đối với các bệnh sẩy thai truyền nhiễm, dịch tả lợn châu Phi và xoắn khuẩn.
Lợn có nguồn gốc từ các trang trại được quản lý theo tiêu chuẩn của Thái Lan về thực hành nông nghiệp tốt và được cơ quan thú y có thẩm quyền của Thái Lan kiểm soát.
Ông Phạm Văn Đông cũng nhấn mạnh, thực tế kiểm dịch nhiều lô lợn giống nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam trong nhiều năm qua đều đạt an toàn dịch bệnh. Cục Thú y đã hoàn tất việc phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn trong nhập khẩu thịt lợn đông lạnh. Cụ thể, các doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh lớn về giá nhập khẩu với các doanh nghiệp Trung Quốc, nguồn tài chính đặt hàng…Bên cạnh đó, nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về giết mổ góp phần đảm bảo nguồn cung và từng bước hạ giá thịt lợn thị trường trong nước.
“Nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan đảm bảo trên nguyên tắc cân đối lợi ích hài hoà giữa người chăn nuôi, người phân phối và lợi ích của doanh nghiệp. Khi nguồn cung trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu thịt lợn thì sẽ dừng nhập khẩu, và có thông báo cho doanh nghiệp trước 1 tháng”, ông Tiến nói.
-
Tin buồn -
26/01/2024
-
Xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại lò mổ gia súc lớn nhất Đà Nẵng -
20/08/2020
-
1,9 triệu con lợn thịt Thái Lan chờ ngày 'đổ bộ' về Việt Nam -
19/06/2020
-
Cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan -
11/06/2020
-
Dịch tả heo châu Phi tái phát, lây lan diện rộng tại 20 tỉnh, thành -
27/05/2020
-
Giá heo hơi hôm nay 11/2 -
11/02/2020
-
Giá heo hơi hôm nay 20/1 -
20/01/2020
-
Đà Nẵng có 16 điểm bán thịt heo bình ổn dịp tết Nguyên Đán -
15/01/2020
-
Giá heo hơi hôm nay 15/1: Ổn định trên cả 3 miền -
15/01/2020
-
Cận cảnh 'quy trình' người Đồng Nai chữa dịch tả lợn châu Phi bằng hèm rượu -
22/08/2019